Phương Thức Thanh Toán Nhờ Thu

Phương Thức Thanh Toán Nhờ Thu

Phương thức thanh toán nhờ thu là phương thức mà bên bán (nhà xuất khẩu) sau khi giao hàng hay cung ứng dịch vụ, uỷ thác cho ngân hàng phục vụ mình xuất trình bộ chứng từ thông qua ngân hàng đại lý cho bên mua (nhà nhập khẩu) để được thanh toán, chấp nhận hối phiếu hay chấp nhận các điều kiện và điều khoản khác.

Để hiểu rõ hơn về phương thức thanh toán quốc tế nhờ thu phát sinh như thế nào, cùng Kênh Khóa học xuất nhập khẩu online tham khảo trong bài viết dưới đây:

>>>>>> Bài viết xem nhiều: Review Khóa Học Xuất Nhập Khẩu ONLINE Ở Đâu Tốt Nhất

1. Phương thức thanh toán nhờ thu là gì?

Để hiểu rõ hơn về Phương thức thanh toán nhờ thu là gì, chúng ta xem xét ví dụ dưới đây:

Nhà xuất khẩu sau khi giao hàng, lập bộ chứng từ (chứng từ thương mại và/hoặc chứng từ tài chính) cùng với Đơn yêu cầu nhờ thu gửi cho ngân hàng phục vụ mình. Với sự giúp đỡ cần thiết, ngân hàng kiểm tra toàn bộ các chứng từ để bảo đảm rằng các chứng từ là đầy đủ, nhưng không vì thế mà ngân hàng phải chịu trách nhiệm về bất cứ một lỗi hay sai sót nào của chứng từ.

Sau đó, ngân hàng phục vụ nhà xuất khẩu chuyển bộ chứng từ cùng một “Lệnh nhờ thu” (Collection Order) cho ngân hàng phục vụ nhà nhập khẩu để xuất trình và trao cho nhà nhập khẩu khi được thanh toán, chấp nhận hối phiếu hay chấp nhận các điều kiện khác. Nghĩa là, sau khi nhà nhập khẩu thanh toán hay chấp nhận thanh toán thì bộ chứng từ mới được trao cho nhà nhập khẩu để đi nhận hàng.

Sau khi khấu trừ các chi phí phát sinh, ngân hàng phục vụ nhà nhập khẩu chuyển toàn bộ khoản thu từ nhà nhập khẩu cho ngân hàng phục vụ nhà xuất khẩu; và sau khi khấu trừ mọi chi phí phát sinh, ngân hàng phục vụ nhà xuất khẩu chuyển khoản thu còn lại cho nhà xuất khẩu. .

Tóm lại, Thanh toán Nhờ thu là phương thức thanh toán quốc tế có ưu điểm cơ bản là đã dung hoà được tính an toàn và rủi ro so với phương thức ứng trước và phương thức ghi sổ, nhưng lại giảm được chi phí So với phương thức tín dụng chứng từ. Cụ thể là:

  • Phương thức ghi sổ: An toàn cho nhà nhập khẩu, nhưng rủi ro đối với nhà xuất khẩu.
  • Phương thức ứng trước: An toàn cho nhà xuất khẩu, nhưng rủi ro đối với nhà nhập khẩu.

Trong khi đó, bằng cách sử dụng ngân hàng như một trung gian thu hộ tiền ở người mua trả cho người bán, phương thức nhờ thu có thể:

  • Giảm được rủi ro cho cả hai bên nhập khẩu và xuất khẩu.
  • Hạn chế sự chậm trễ trong việc nhận tiền đối với nhà xuất khẩu và nhận hàng đối với nhà nhập khẩu.
  • Giảm được chi phí giao dịch so với tín dụng chứng từ.

Phương Thức Thanh Toán Nhờ Thu

II. Văn bản pháp lý điều chỉnh Nhờ thu:

Quy tắc Thống nhất về Nhờ thu (The ICC Uniform rules for collections) được phát hành lần đầu bởi ICC vào năm 1956; sau đó, được tái bản vào các năm 1967, 1978 và lần tái bản sau cùng được Hội đồng của ICC chấp thuận vào tháng 6 năm 1995, với tiêu đề “ICC Uniform Rules for Collections, Publication No 522” (viết tắt URC 522).

Do ICC là tổ chức Hiệp hội phi chính phủ, do đó, cũng như các văn bản khác do ICC phát hành, các phiên bản URC mang tính chất pháp lý tùy ý. Điều này được thể hiện ở chỗ:

1. Tất cả các phiên bản URC còn nguyên giá trị, nghĩa là các phiên bản không phủ nhận lẫn nhau mà độc lập với nhau. Điều này là hoàn toàn ngược với quy tắc của các nguồn luật quốc gia hay quốc tế.

2. Các bên được tự do thỏa thuận áp dụng hay không áp dụng URC để điều chỉnh nhờ thu. Vì tất cả các phiên bản đều còn hiệu lực, nên khi lựa chọn áp dụng thì phải nói rõ là áp dụng phiên bản nào. Thông thường, phiên bản mới nhất được các bên lựa chọn áp dụng bằng việc dẫn chiếu trong “Đơn yêu cầu nhờ thu” và “Lệnh nhờ thu” câu: “This Collection is subject to the Uniform Rules for Collections, 1995 Revision ICC Pub. No. 522”. Khi đã có dẫn chiếu như vậy, thì URC 522 trở thành văn bản quy phạm pháp luật có tính bắt buộc thực hiện đối với tất cả các bên liên quan.

3. Các bên có thể thỏa thuận:

– Loại trừ (không áp dụng) một hay một số điều khoản của URC.

– Bổ sung (đưa thêm) một hay một số các điều khoản khác mà URC không điều chỉnh.

– Thay đổi, điều chỉnh nội dung của một hay một số các điều khoản của URC.

Chính vì vậy, khi xử lý nhờ thu thì những nội dung trong Lệnh nhờ thu phải được ưu tiên thực hiện trước các điều khoản của URC.

4. Tính chất pháp lý của URC là dưới luật quốc gia. Điều này hàm ý, nếu có xung đột giữa URC với Luật quốc gia, thì luật quốc gia được ưu tiên vượt lên trên về mặt pháp lý.

III. Mối quan hệ của các bên tham gia trong thanh toán nhờ thu

Để thuận tiện trong việc diễn đạt, ta sử dụng một số từ viết tắt:

NHNT=Ngân Hàng Nhờ Thu = Remitting Bank.

NHTH= Ngân Hàng Thu Hộ = Collecting Bank.

NHXT = Ngân Hàng Xuất Trình = Presenting Bank.

a/ Các bên tham gia trong thanh toán nhờ thu:

1. Người uỷ thác thu (Principal):

  • Là người yêu cầu ngân hàng phục vụ mình (NHNT) thu hộ tiền, và có các vai trò:
  • Là mắt xích đầu tiên trong dây truyền nhờ thu.
  • Là người phát ra các chỉ thị cho tất cả các bên thực hiện.
  • Là người có quyền thụ hưởng nhờ thu.
  • Là người chịu chi phí cuối cùng về nhờ thu,

Như vậy, nhờ thu là nhờ thu của người uỷ thác, do đó, quy tắc xuyên suốt trong nhờ thu là: “Mọi chỉ thị liên quan đến nhờ thu đều phải do người ủy thác đưa ra. Nếu làm đúng các chỉ thị này, thì ngân hàng luôn có quyền thu phí bất luận kết quả nhờ thu là như thế nào; nếu làm không đúng, gây tổn thất thì không những không thu được phí mà còn phải bồi thường “. .

2. NHNT (Remitting Bank hay Sending Bank):

Là ngân hàng, theo yêu cầu của Người uỷ thác, chấp nhận chuyển nhờ thu đến ngân hàng đại lý (NHTH) ở gần và thuận tiện với Người trả tiền. Do đó, NHNT là ngân hàng phục vụ người uỷ thác; và trong quá trình xử lý nhờ thu, NHNT chịu trách nhiệm với Người uỷ thác.

3. NHTH (Collecting Bank):

Đây là ngân hàng đại lý hay chi nhánh của NHNT có trụ sở ở nước Người trả tiền. NHTH nhận Nhờ thu từ NHNT và thực hiện thu tiền từ Người trả tiền theo các chỉ thị ghi trong Lệnh nhờ thu.

Sau khi thu được tiền, NHTH phải chuyển trả cho NHNT. NHTH phải chịu trách nhiệm về Nhờ thu với NHNT.

4. NHXT (Presenting Bank)

– Nếu Người trả tiền có quan hệ tài khoản với NHTH, thì NHTH sẽ xuất trình Nhờ thu trực tiếp cho Người trả tiền; trong trường hợp này thì NHTH đồng thời là NHXT.

– Nếu Người trả tiền không có quan hệ tài khoản với NHTH, thì có thể chuyển Nhờ thu cho một ngân hàng khác có quan hệ tài khoản với Người trả tiền để xuất trình. Trong trường hợp này, ngân hàng phục vụ Người trả tiền trở thành NHNT, và chịu trách nhiệm trực tiếp với NHTH.

5. Người trả tiền hay người thụ trái (Drawee):

Là người mà Nhờ thu được xuất trình để thanh toán hay chấp nhận thanh toán. Người trả tiền

Lưu ý:

1. Đối với Nhờ thu nội địa, nếu cả người mua và người bán đều có tài khoản tại một ngân hàng, thì ngân hàng này vừa đóng vai trò NHNT, NHTH và NHXT, tức chỉ cần một ngân hàng tham gia xử lý nhờ thu.

2. Tên (thuật ngữ) dùng cho các bên tham gia không quyết định đến nội dung và tính chất của nghiệp vụ nhờ thu; điều cơ bản là phải nắm được sự di chuyển của chứng từ và của tiền tệ trong Nhờ thu là như thế nào.

b/ Mối quan hệ giữa các bên trong thanh toán nhờ thu:

Nhờ thu là Nhờ thu của Người uỷ thác, do đó mọi chỉ thị liên quan đến Nhờ thu đều phải do Người uỷ thác đưa ra.

1. Người uỷ thác/NHNT:

Người uỷ thác chuyển bộ chứng từ cùng Đơn yêu cầu nhờ thu cho NHNT. Với vai trò là Đại lý cho Người uỷ thác, nên NHNT phải hành động đúng theo các chỉ thị trong Đơn yêu cầu nhờ thu. Nếu các chỉ thị không hoàn chỉnh hoặc NHNT không thể tuân thủ các chỉ thị, thì ngay khi nhận được Đơn yêu cầu nhờ thu, NHNT phải cùng với Người uỷ thác làm rõ ràng mọi vấn đề nhằm giúp cho Nhờ thu có thể thực hiện được.

– Kiểm tra tính chân thật của bộ chứng từ nhờ thu bằng cách đối chiếu mẫu chữ ký của khách hàng lưu tại ngân hàng.

– Kiểm tra tính đầy đủ của bộ chứng từ theo bản kể về: số loại chứng từ, số lượng mỗi loại, trong đó bao nhiêu bản gốc bao nhiêu bản sao.

– NHNT không được có hành động khác với các chỉ thị trong Đơn yêu cầu nhờ thu do người uỷ thác đưa ra.

– Nếu NHNT có hành động khác với các chỉ thị do Người uỷ thác đưa ra, phải chịu trách nhiệm bồi thường cho Người uỷ thác. Trong trường hợp này, trách nhiệm bồi thường của NHNT có thể lớn hơn giá trị nhờ thu.

– Nếu NHNT hành động đúng các chỉ thị do Người uỷ thác đưa ra, thì không chịu bất cứ trách nhiệm gì, và Người uỷ thác phải trả mọi chi phí phát sinh liên quan đến nhờ thu cho NHNT.

Ví dụ: Nếu Người uỷ thác chỉ thị cho NHNT gửi chứng từ nhờ thu đến ngân hàng A, nhưng NHNT lại chuyển chứng từ đến ngân hàng B mà không được phép của Người uỷ thác; như vậy, NHNT đã có hành động không được uỷ quyền bởi Người uỷ thác. Tuy nhiên, nếu Người uỷ thác không chỉ định NHTH, và NHNT tự ý chuyển chứng từ đến cho ngân hàng C có quan hệ đại lý với mình, thì NHNT không cần có sự cho phép của người uỷ thác, bởi vì theo quy tắc của URC thì điều đó là được phép.

NHNT không có trách nhiệm:

  • Không chịu trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu nội dung các chứng từ.
  • Không chịu bất kỳ trách nhiệm nào nếu bộ chứng từ không được thanh toán.
  • Không có bất kỳ cam kết nào về trả tiền cho người ủy thác.
  • Không chịu bất kỳ trách nhiệm nào về sai sót trong nhờ thu xảy ra bên ngoài NHNT.

2. NHNT/NHTH:

NHNT phải chuyển nguyên vẹn chứng từ và các chỉ thị của Người uỷ thác cho NHTH, NHTH phải hành động theo đúng các chỉ thị này bất kể mối quan hệ riêng của mình với Người trả tiền là như thế nào.

NHTH chịu trách nhiệm bồi thường cho NHNT nếu hành động không đúng các chỉ thị nhận được từ NHNT. NHNT chịu trách nhiệm trả mọi khoản chi phí phát sinh liên quan đến việc thực hiện đúng các chỉ thị nhờ thu.

3. NHTHINHXT:

Đôi khi Nhờ thu được chuyển tiếp bởi NHTH qua NHXT cho nhà nhập khẩu. Trong trường hợp này, NHXT phải hành động đúng các chỉ thị nhận được từ NHTH bất kể mối quan hệ riêng của mình với nhà nhập khẩu là như thế nào. Nếu NHXT hành động không đúng các chỉ thị thì phải chịu trách nhiệm bồi thường, ngược lại nếu hành động đúng các chỉ thị thì được NHTH trả đầy đủ các khoản phí và chi phí phát sinh liên quan đến Nhờ thu.

Về logics, thì NHTH và NHXT có nghĩa vụ và quyền lợi trong nhờ thu là tương tự như NHNT.

4. Người uỷ thác/Người trả tiền (Người XK/Người NK):

Quan hệ cơ bản giữa người xuất khẩu và người nhập khẩu chính là cái điều khoản quy định trong hợp đồng mua bán.

Tóm lại, trong từng mối quan hệ nêu trên, nghĩa vụ hành động và trách nhiệm bồi thường phụ thuộc vào việc các bên có hành động đúng theo sự uỷ quyền trong Đơn và trong Lệnh nhờ thu hay không. Đây là cơ sở cho mô quan hệ giữa các bên trong nghiệp vụ nhờ thu.

Hy vọng thông tin về Phương Thức Thanh Toán Nhờ Thu được Kênh Khóa học xuất nhập khẩu online giới thiệu trên đây sẽ hữu ích tới bạn.

Để nắm rõ hơn các Nghiệp vụ xuất nhập khẩu, bạn có thể tham gia các khóa học xuất nhập khẩu để được chia sẻ các kiến thức từ những người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề.

>>>>> Tham khảo thêm:

Rate this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *